Nội Dung
Đóng góp quan trọng vào thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc chính là nhờ kinh tế cửa khẩu. Việt Nam với Trung Quốc có 19 cặp cửa khẩu. Từ đầu năm đến nay, hoạt động xuất nhập khẩu qua các cặp cửa khẩu với Trung Quốc rất sôi động.
Kinh tế cửa khẩu ngày càng phát triển
Tại Lạng Sơn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ở tất cả các loại hình hàng hóa qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn lũy kế đến giữa tháng 7 đạt trên 32 tỷ USD. Con số này khẳng định vị trí cửa ngõ đặc biệt quan trọng của các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn trong giao thương biên mậu thời gian qua. Trong đó, Hữu Nghị là cửa khẩu sôi động nhất.
Thống kê từ Ban Quản lý cửa khẩu Lạng Sơn cho thấy, trung bình mỗi ngày, cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị thực hiện giải quyết thông quan cho trên 800 phương tiện; trong đó xuất khẩu khoảng trên dưới 200 xe, nhập khẩu khoảng 600 xe. Các mặt hàng xuất nhập khẩu chủ yếu là hoa quả tươi, máy móc công nghiệp, đồ gia dụng tiêu dùng, linh kiện điện tử…
Tương tự, tại Móng Cái (Quảng Ninh), hoạt động giao thương biên mậu, du lịch cũng tiếp tục sôi động, khởi sắc. Kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm trên địa bàn Móng Cái đạt hơn 1,7 tỷ USD, tăng 17,85% so với cùng kỳ. Hoạt động giao thương biên mậu trên địa bàn Móng Cái luôn được đặc biệt quan tâm duy trì ổn định, tạo động lực thu hút đầu tư trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Lào Cai cũng là địa phương có kim ngạch xuất nhập khẩu với Trung Quốc qua các cặp cửa khẩu đạt con số ấn tượng. Hoạt động xuất nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2024 có nhiều khởi sắc với giá trị xuất nhập khẩu, mua bán, trao đổi hàng hóa qua các cửa khẩu ước đạt 1.574,46 triệu USD. Đây là mức tăng trưởng giá trị xuất nhập khẩu ấn tượng, với mức tăng đạt 64,20% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, một số mặt hàng nông sản xuất khẩu đạt giá trị cao, như: Sầu riêng tiếp tục khẳng định vị thế “vua trái cây”, sầu riêng xuất khẩu qua Lào Cai tăng trưởng mạnh đạt trên 520 triệu USD, trung bình xuất khẩu với số lượng khoảng 70 – 100 xe hàng/ngày; thanh long đạt trên 60 triệu USD; chuối, mít, xoài, vải, dưa hấu và các loại trái cây khác cũng được xuất khẩu với số lượng đáng kể góp phần đa dạng hóa mặt hàng và nâng cao giá trị xuất khẩu nông sản
Nỗ lực xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường
Những năm gần đây, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc không ngừng được mở rộng. Trung Quốc là một trong những thị trường quan trọng nhất đối với nông, lâm, thủy sản Việt Nam. Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam từ hoa quả đến thực phẩm chế biến đang tạo ra chỗ đứng trên thị trường Trung Quốc.
Thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho thấy, hiện Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng.
Số liệu thống kê từ Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, trong năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 171,9 tỷ USD. Trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt 112,2 tỷ USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 32,6 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 79,6 tỷ USD, tăng 35,6% so với cùng kỳ năm 2023. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 47 tỷ USD, tăng 70% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Tổng cục Thống kê, 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 33,4 tỷ USD, tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái; kim ngạch nhập khẩu đạt 79,2 tỷ USD, tăng 34,9% so với cùng kỳ năm trước.
7 tháng đầu năm 2024, thương mại hai chiều Việt Nam – Trung Quốc đã đạt 112,9 tỷ USD. Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời là thị trường đầu tiên có kim ngạch hai chiều với Việt Nam vượt con số 100 tỷ USD, tính từ đầu năm đến nay.
Dẫu chưa hồi phục đồng đều đối với tất cả các mặt hàng, nhưng lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới tháng 7 của nước ta sang Trung Quốc tăng nhanh so với các tháng trước, nhiều mặt hàng có mức tăng cao, đạt trên 1 tỷ USD như: Điện thoại (1,45 tỷ USD, tăng 18% so với tháng 6), máy tính (1,24 tỷ USD, tăng 57%), cao su (173 triệu USD, tăng 124%)…
Đây là tốc độ tăng nhanh nhất so với các tháng kể từ đầu năm tới nay. Mức tăng trưởng của các ngành hàng chủ lực kể trên trong tháng 7 phản ánh đơn hàng cải thiện thấy rõ, nhất là các nhóm hàng này đều đóng góp kim ngạch xuất khẩu hàng năm rất lớn.
Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc
Từ những số liệu trên có thể thấy, dù không còn là thị trường dễ tính như trước, không phải hàng hóa nào thị trường Trung Quốc cũng chấp nhận, song kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vẫn luôn tăng trưởng tích cực. Hàng hóa Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp trong nước đã từng bước thay đổi, không ngừng nỗ lực nâng cao chất lượng và quy cách sản phẩm, đáp ứng tốt các quy định và phục vụ tốt nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc
Có thể nói, những kết quả này đến từ các giải pháp khắc phục khó khăn, mở cửa thị trường của Chính phủ, các Bộ, Ngành và của cộng đồng doanh nghiệp, nổi bật trong đó là công tác đàm phán mở cửa thị trường.
Thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực đàm phán mở cửa thị trường Trung Quốc cho các loại hàng hoá Việt Nam. Năm 2023, đã 2 lần Thủ tướng có chuyến công tác tại Trung Quốc và lần nào cũng đề xuất Chính phủ Trung Quốc mở cửa cho nông sản Việt Nam với 4 nhóm hàng: Sầu riêng đông lạnh, ớt, dưa hấu, dược liệu… và đến tháng 6/2024, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có chuyến công tác tới Trung Quốc để trao đổi, đàm phán và xác định cơ chế đối thoại mới.
Đặc biệt, Bộ Công Thương với vai trò chủ lực trong việc đàm phán, xúc tiến thương mại mở rộng thị trường cho hàng Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp để đẩy mạnh xúc tiến thương mại vào thị trường này.
Đọc thêm: Xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc: Hướng tới kim ngạch 200 tỷ USD
Đọc thêm: Thông báo mới về hệ thống cấp C/O của Trung Quốc