Nội Dung
Thanh toán quốc tế là gì?
Thanh toán quốc tế là quá trình chuyển giao giá trị tài chính giữa các bên ở những quốc gia khác nhau. Nhờ các phương pháp thanh toán ngoại thương đã tạo ra sự thuận tiện trong các giao dịch kinh doanh, tài chính giữa các doanh nghiệp, ngân hàng, cá nhân ở các quốc gia khác nhau. Các phương pháp thanh toán quốc tế cũng là cơ sở để thực hiện các giao dịch thương mại quốc tế, giúp các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trao đổi hàng hóa và dịch vụ một cách hiệu quả, an toàn.
Các dịch vụ thanh toán ngoại thương còn đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích phát triển tài chính quốc tế và hệ thống ngân hàng toàn cầu. Các giao dịch quốc tế cũng giúp hoạt động mở rộng toàn cầu của doanh nghiệp thuận lợi hơn, cho phép doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội mới và tạo lập quan hệ với các đối tác trên thị trường quốc tế.
Tóm lại, thanh toán quốc tế đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các thị trường tài chính và thương mại trên toàn cầu, góp phần quan trọng vào sự phát triển và hội nhập của nền kinh tế thế giới.
Một số phương pháp thanh toán quốc tế phổ biến nhất hiện nay
Phương thức chuyển tiền T/T
Phương thức chuyển tiền T/T thường được gọi là phương thức chuyển tiền bằng điện (telegraphic transfer) hay phương thức thanh toán T/T. Đây là phương thức thanh toán quốc tế rất phổ biến hiện nay, ngân hàng sẽ thực hiện chuyển số tiền đến người hưởng thụ bằng hệ thống chuyển tiền quốc tế SWIFT, trên cơ sở chỉ dẫn của người trả tiền.
Có hai hình thức chuyển tiền T/T là chuyển tiền trả trước và chuyển tiền sau. Trong đó, chuyển tiền trả trước là nhà nhập khẩu sẽ thanh toán trước một khoản tiền cho nhà xuất khẩu trước khi giao hàng. Chuyển tiền trả sau là nhà nhập khẩu sẽ thanh toán tiền cho nhà xuất khẩu sau khi nhận hàng. Phương thức chuyển tiền trả trước sẽ có rủi ro cho người nhập khẩu trong khi phương thức chuyển tiền trả sau cũng tiềm ẩn rủi ro cho người xuất khẩu.
Phương thức tín dụng chứng từ (Letter of Credit – L/C)
Phương thức thanh toán qua tín dụng chứng từ là phương thức thanh toán mà theo yêu cầu của nhà nhập khẩu, ngân hàng sẽ mở một thư tín dụng (hay văn bản bảo lãnh) cam kết với nhà xuất khẩu sẽ thanh toán nếu nhà xuất khẩu trình được bộ chứng từ thanh toán phù hợp với điều khoản, điều kiện quy định trong thư tín dụng.
Sau khi nhà xuất khẩu chuyển hàng sẽ cần tập hợp và cung cấp bộ chứng từ hợp lệ cho ngân hàng phát hành L/C như vận đơn, chứng nhận xuất xứ, hóa đơn thương mại,… Nếu các chứng từ hợp lệ, ngân hàng phát hành L/C sẽ thanh toán cho người bán và chuyển cho bên nhập khẩu bộ chứng từ để nhận hàng.
Phương thức ghi sổ (Open account)
Đây là phương thức thanh toán mà trong đó nhà xuất khẩu mở 1 tài khoản ghi nợ để nhà nhập khẩu trả tiền được hai bên thỏa thuận vào một thời điểm nhất định trong tương lai. Theo đó, người xuất khẩu sẽ gửi cho người mua hóa đơn thương mại có thông tin hàng hóa và số tiền cần thanh toán. Nhà nhập khẩu sẽ sử dụng tài khoản trả trước để thanh toán cho người bán bằng cách ghi nợ vào tài khoản này.
Trong phương thức này, người bán sẽ chịu rủi ro không thanh toán được hoặc thanh toán chậm từ bên mua. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý khi chọn nhà nhập khẩu uy tín, tin cậy trước khi thực hiện thanh toán bằng phương thức này.
Phương thức nhờ thu (Collection)
Đây là dịch vụ thanh toán qua ngân hàng với quy trình mà người xuất khẩu sau khi giao hàng sẽ nhờ ngân hàng ủy thác (remitting bank) xuất trình chứng từ cho ngân hàng thu hộ (collecting bank) cho bên mua để được thanh toán. Hai bên ngân hàng trong phương thức này sẽ đóng vai trò là trung gian thu tiền hộ chứ không phải cam kết hay bảo lãnh thanh toán.
Quy trình thanh toán theo phương thức nhờ thu:
– Nhà xuất khẩu giao hàng cho nhà nhập khẩu.
– Nhà xuất khẩu lập bộ chứng từ thanh toán chuyển cho ngân hàng ở nước xuất khẩu (remitting bank) và nhờ thu hộ.
– Ngân hàng ở nước xuất khẩu chuyển chứng từ cho ngân hàng ở nước nhập khẩu (collecting bank) và nhờ ngân hàng này thu hộ ở nước nhập khẩu.
– Ngân hàng thu hộ sẽ yêu cầu người nhập khẩu trả tiền để nhận chứng từ.
– Người nhập khẩu trả tiền cho ngân hàng thu hộ và nhận bộ chứng từ để nhận hàng.
– Ngân hàng thu hộ trả tiền cho ngân hàng ở nước xuất khẩu.
– Ngân hàng ở nước xuất khẩu trả tiền cho nhà xuất khẩu.
Trong hình thức thanh toán này, bên xuất khẩu sẽ có rủi ro cao hơn vì những lý do như nhà nhập khẩu không thanh toán, không có khả năng thanh toán, rủi ro quốc gia không có đủ ngoại tệ,… Trong khi đó, rủi ro của nhà nhập khẩu thấp hơn nhờ được kiểm tra hàng hóa trước khi quyết định thanh toán hoặc từ chối thanh toán.
Đọc thêm:Những thách thức lớn của ngành logistics nội địa
Đọc thêm: Vận chuyển hàng hóa đi Trung Quốc cần chuẩn bị những gì?