Tết Trung Hoa

Tết Trung Hoa
Tết Trung Quốc là thời điểm đón năm mới với nhiều điều tốt lành. Người Trung Quốc coi ngày tết cổ truyền là ngày lễ lớn nhất, vì vậy mọi hoạt động ngày tết đều rất được coi trọng. Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á khác cũng chào đón năm mới theo lịch Âm vào cùng dịp này với các phong tục tập quán phong phú.
 
Tết Trung Quốc nguyên đán còn có tên gọi là Xuân Tiết , đánh dấu sự kết thúc của mùa đông và khởi đầu mùa xuân mới. Thời điểm giao mùa này khác với cách tính của phương Tây vì nó được tính theo lịch âm. Tết được tính từ ngày đầu tiên của tháng âm lịch đầu tiên – ngày Chính và kết thúc vào ngày tổ chức lễ hội đèn lồng rằm tháng giêng (Tết Nguyên tiêu). Đêm giao thừa của Trung Quốc, ngày dành cho sum họp gia đình, được gọi là đêm Trừ Tịch với “trừ” nghĩa là thay đổi, hoán đổi và “tịch” là đêm, “trừ tịch” nghĩa là “đêm của sự thay đổi””đêm của thời khắc giao thời”.

Tết Nguyên đán và nguồn gốc ngày lễ này ở Trung Quốc

Theo dương lịch, Tết Nguyên Đán Trung Hoa rơi vào những ngày khác nhau, thường là trong khoảng 6 tháng 1 đến 5 tháng 2. Theo lịch Trung Hoa, ngày kinh trập rơi vào tháng 2 âm lịch và Thanh Minh rơi vào tháng 3 âm lịch, nghĩa là Tết Nguyên Đán Trung Hoa xảy ra vào 2 tháng trước ngày kinh trập và Thanh Minh (chỉ thỉnh thoảng mới rơi vào 3 tháng trước kinh trập và Thanh Minh nếu như có tháng nhuận). Theo văn hóa truyền thống Trung Quốc, tết này rơi vào tiết lập xuân, một trong 24 tiết khí; là tiết khởi đầu mùa xuân, thường rơi vào khoảng ngày 4 tháng 2 dương lịch.

Về nguồn gốc của ngày Tết cổ truyền Trung Quốc, sâu xa từ 4.000 năm trước, khi vua Thuấn trở thành hoàng đế, ông đã dẫn dắt thuộc hạ của mình cúng tế trước trời đất. Đó chính là ngày mồng 1 Tết ngày nay. Từ đó cứ đến ngày này, mọi người tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi để chào đón một năm nhiều may mắn, theo thời gian các tập tục có nhiều thay đổi song vẫn giữ được nét truyền thống, chỉ thêm phần long trọng, thời gian dài hơn, có thêm hơi thở của nhịp sống hiện đại. 

Tết Trung Hoa
Tết Trung Hoa

Những việc người Trung Quốc thường làm trong ngày TẾT truyền thống

Người dân Trung Quốc có rất nhiều hoạt động trước, trong và sau Tết âm lịch. Trong đó, có 6 hoạt động chính:

1. Dọn dẹp và trang trí nhà cửa với những thứ màu đỏ

Ở Việt Nam, mọi người thường dọn dẹp và trang trí nhà cửa vài ngày trước Tết. Nhưng người Trung Quốc thường làm điều đó vào đêm giao thừa.  Dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ được cho là tượng trưng cho việc quét sạch những điều xui xẻo của năm trước và chuẩn bị cho ngôi nhà đón những điều may mắn. Với quan niệm màu đỏ tượng trưng cho sự thịnh vượng và năng lượng, người Trung Quốc trang trí nhà cửa bằng những thứ màu đỏ như đèn lồng đỏ, câu đối xuân đỏ, tranh Tết… để xua đuổi tà ma và cầu phước lành, trường thọ, sức khỏe, bình an. Năm 2022 là năm Nhâm Dần, vì vậy hình ảnh con hổ sẽ xuất hiện trên đồ trang trí.

2. Dâng lễ vật lên tổ tiên

Trong ngày Tết, người Trung Quốc dâng lễ vật lên tổ tiên để thể hiện lòng thành kính, hiếu nghĩa. Nhiều người còn đến thăm mộ tổ tiên vào trước Tết. Người ta cho rằng linh hồn của tổ tiên sẽ bảo vệ, phù hộ độ trì cho con cháu của họ.

3. Thưởng thức bữa tối sum họp gia đình

Tết âm lịch là thời gian để gia đình sum vầy. Đối với người Trung Quốc, đêm giao thừa là thời điểm quan trọng nhất trong năm. Dù ở bất cứ đâu, mọi người đều mong được trở về nhà để quây quần bên gia đình. Bữa tối giao thừa của người Trung Quốc được gọi là “bữa tối đoàn tụ”. Các gia đình lớn gồm nhiều thế hệ sẽ ngồi quanh bàn tròn, thưởng thức đồ ăn và dành thời gian bên nhau. Những món ăn mang ý nghĩa may mắn phải có trong bữa tối bao gồm cá, bánh bao, bánh tổ (nian gao), chả giò.
Tết Trung Hoa
Tết Trung Hoa

4. Tặng bao lì xì đỏ (hồng bao)

Người Trung Quốc thường đựng tiền lì xì trong phong bao màu đỏ (được gọi là hồng bao) vì màu đỏ được cho là tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc. Người ta thường tặng lì xì cho trẻ em hoặc người cao niên (đã nghỉ hưu) sau bữa cơm sum họp, với ý nghĩa cầu chúc cho người nhận một năm mới an khang, thịnh vượng, bình an vô sự. Người Trung Quốc ưa chuộng số tiền bắt đầu bằng số chẵn, chẳng hạn như 8 (đọc gần giống với từ “giàu có”) và 6 (gần giống từ “suôn sẻ”), ngoại trừ số 4 vì nó gần với từ có nghĩa là “chết”.

5. Đốt pháo và bắn pháo hoa

Từ những màn trình diễn pháo hoa công cộng ở các thành phố lớn đến hàng triệu màn đốt pháo ở các vùng nông thôn của Trung Quốc, đốt pháo và bắn pháo hoa là một hoạt động lễ hội không thể thiếu. Đó là một cách để xua đuổi ma quỷ và chào đón năm mới, đồng thời cũng là cách để tăng thêm không khí vui tươi của ngày lễ. Ở nhiều vùng nông thôn, có phong tục đốt pháo trước mỗi bữa tối từ đêm giao thừa đến mùng 3 Tết. Người ta tin tiếng pháo càng to thì việc làm ăn và trồng trọt sẽ càng thuận lợi và may mắn trong năm tới.

6. Xem múa lân – sư – rồng

Múa lân – sư – rồng là hoạt động vô cùng phổ biến ở Trung Quốc và các khu phố Tàu ở nhiều nước phương Tây trong dịp Tết âm lịch, vì 3 con thú này tượng trưng cho thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc, may mắn,… Ngoài ra, người Trung Quốc còn có nhiều phong tục ngày Tết khác như mặc quần áo mới và đi chúc Tết, thức khuya vào đêm giao thừa, xem Gala Năm mới của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc…

7. Thăm nhà người thân, bạn bè

Để gửi những lời chúc mừng năm mới tới bạn bè, người thân; người Hoa thường tới thăm nhà đầu năm. Họ tới từng gia đình, trao nhau phong bao đỏ và nói với nhau những điều vui vẻ, may mắn; thậm chí là ở lại cùng nhau dùng cơm thân mật. Ở một số vùng, hoạt động này có thể kéo dài vài ngày. 

8. Tham gia hội hoa đăng

Lễ hội đèn lồng (hội hoa đăng) chính là vào ngày Tết nguyên tiêu 15/1 âm lịch – ngày cuối cùng của mùa hội xuân. Vào thời cổ đại, những chiếc đèn lồng này sẽ được làm bằng giấy hoặc lụa sau đó đặt nến bên trong. Ngày nay, các loại vật liệu phong phú hơn nhưng ngắm đèn lồng, xem đua thuyền, ăn bánh trôi trong ngày tết nguyên tiêu… vẫn là những phong tục Tết cổ truyền của Trung Quốc được lưu giữ. 

Các món ăn cổ truyền trong ngày Tết ở Trung Quốc

Bữa cơm đoàn tụ gia đình diễn ra vào đêm Giao thừa khi các thành viên tụ tập đón năm mới. Nơi tổ chức thường là ở nhà hoặc gần nhà trưởng tộc. Bữa cơm đêm Giao thừa thường rất sang và theo truyền thống sẽ có gà và cá. Ở một số nơi, cá hông được ăn hết (phần còn lại sẽ được để qua đêm, vì Trung Quốc có câu nói: “Niên niên hữu dư” – năm năm có dư, phát âm giống như “Niên niên hữu ngư” – năm năm có cá. Những món ăn truyền thống người Trung Quốc hay dùng vào dịp tết phải kể đến như:
Tết Trung Hoa
Tết Trung Hoa

1. Sủi Cảo

Sủi Cảo là món ăn đặc trưng của ngày Tết truyền thống ở Trung Quốc. Bình thường, người Trung Quốc sẽ ăn bánh bao nhưng vào các dịp lễ Tết, đặc biệt là Tết truyền thống thì họ sẽ làm và ăn Sủi Cảo. Sủi Cảo được nặn thành hình bán nguyệt và bên trong có thể có nhiều loại nhân như: các loại thịt, tôm, rau củ, cá,….Ngoài ra khi gói nhân lại, người ta sẽ tạo hình cho đầu bánh bằng những đường gấp khúc (tạo hình giống nén bạc thời xưa) với ý nghĩa tượng trưng cho sự thăng tiến, giàu sang. Bên cạnh đó, người Trung Quốc còn có một truyền thống rất đặc biệt. Khi làm Sủi Cảo, họ sẽ lén bỏ dây chỉ hoặc tiền xu vào trong một chiếc bánh bất kỳ. Nếu người nào ăn trúng bánh có sợi chỉ sẽ sống lâu còn người nào ăn trúng bánh có đồng xu sẽ gặp may mắn và giàu có.

2. Cá

Cá là một trong những món ăn không thể thiếu trong bữa cơm đầu tiên của người Trung Quốc trong dịp Tết truyền thống. Trong tiếng Trung, cá được phát âm là “yu”, gần giống với từ “dư” trong dư thừa. Vậy nên, món ăn này sẽ tượng trưng cho sự sung túc và đầy đủ trong năm mới. Đặc biệt, món cá trong ngày Tết truyền thống của người Trung Quốc phải làm theo một số quy định thú vị như: phải để nguyên con, đầu hướng về người lớn tuổi nhất (bày tỏ sự tôn trọng), chỉ khi người này đụng đũa thì những người khác mới được ăn. Người ngồi phía đuôi cá sẽ cùng người ngồi ở phía đầu cá uống với nhau 1 ly để mang lại may mắn cả năm.

3. Bánh Tổ

Bánh Tổ hay còn gọi là bánh Cao Niên, là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán của Trung Quốc. Món bánh này được làm từ gạo nếp, đường thắng đạt tới độ dẻo nhất định cùng một ít gừng cho thơm, quả chà là, lá sen,….Món bánh này tượng trưng cho sự thăng tiến cả trong tiền bạc, địa vị lẫn công việc.

4. Bánh Nian Gao

Bánh Nian Gao là một loại bánh gạo của Trung Quốc, thường được người dân thưởng thức vào đầu năm mới. Loại bánh này được làm từ bột nếp loại ngon, nhân bên trong có thể ngọt hoặc mặn và đặc biệt là rất dính, dẻo. Cũng chính vì vậy mà bánh Nian Gao tượng trưng cho sự gắn kết bền vững của các thành viên trong gia đình. Không chỉ để ăn, bánh Nian Gao còn là một món quà ý nghĩa trong dịp đầu năm. Nếu gia đình nào có con sắp thi đại học hoặc chuẩn bị thăng chức mà nhận được quà là bánh Nian Gao thì mọi chuyện sẽ diễn ra vô cùng thuận lợi.

5. Heo sữa quay

Heo sữa quay là món ăn được cúng trên bàn thờ tổ tiên để cầu cho một năm mới ấm no, sung túc. Món ăn này có thể được người Trung Quốc tự làm hoặc đặt nhà hàng từ trước. Không chỉ có ý nghĩa tốt đẹp, món ăn này còn rất thơm ngon và hấp dẫn. Vỏ của heo sữa mỏng, giòn tan, vàng rụm cùng vị thịt ngon ngọt tự nhiên không bị khô nên rất được người Trung Quốc yêu thích.

6. Cam quýt

Trong tiếng Trung, phát âm của trái cam, quýt và vàng đồng nghĩa với may mắn. Chính vì vậy mà người Trung Quốc thường bày biện và ăn cam quýt có màu vàng tươi để mang lại sự may mắn, giàu có. Đặc biệt, những quả cam, quýt có lá thì càng ý nghĩa. Chúng tượng trưng cho phúc lộc và tuổi thọ cao.

7. Khay bánh kẹo

Cũng giống như Tết Việt Nam, ở Trung Quốc người dân sẽ bày những khay bánh kẹo để tiếp đón khách khứa. Khay bánh kẹo này sẽ gồm nhiều loại mứt, tượng trưng cho sự giàu có, đoàn tụ cùng các loại hạt màu đỏ như hạt dưa để có được hạnh phúc.

8. Cơm Bát Bảo

Cơm Bát Bảo là một món ăn đặc trưng của người Trung Quốc dịp Tết. Món ăn này được nấu từ gạo thông thường nhưng điều làm nên sự khác biệt chính là cách trang trí. Sau khi được nấu chín, người ta sẽ bới cơm ra đĩa và vun tròn lại. Tiếp theo, phủ một lớp siro để tạo độ bóng lên trên. Cuối cùng là dùng các loại hạt và trái cây khô để trang trí ở phần đỉnh. Món ăn này tượng trưng cho sự giàu có và nhiều tiền bạc.

9. Chè Trôi Nước

Vào ngày cuối cùng của Tết, người Trung Quốc sẽ tổ chức lễ hội đèn lồng. Và chè Trôi Nước là món ăn được yêu thích trong lễ hội này. Trong tiếng Trung, chè Trôi Nước được gọi là Tāngyuán có cách phát âm tương tự như từ “đoàn viên”. Vậy nên, món ăn này tượng trưng cho sự sum vầy và được yêu thích bởi rất thơm ngon.

10. Mì Trường Thọ

Mì Trường Thọ là món ăn khá quen thuộc với người Trung Quốc trong dịp lễ sinh nhật và Tết Nguyên Đán. Đúng như tên gọi, mì Trường Thọ có ý nghĩa cho tuổi thọ ngày càng tăng cao. Điểm đặc biệt của món ăn này là sợi mì thường rất dài. Thậm chí, mỗi bát mì chỉ có duy nhất 1 sợi ở bên trong.