Nội Dung
Máy bay không người lái và mô-đun kho thông minh thu hút sự chú ý của khách tham quan tại Hội chợ Thương mại Dịch vụ Quốc tế Trung Quốc (CIFTIS) vừa diễn ra ở Bắc Kinh. Mở ra kỷ nguyên giao hàng mới.
Drones giao hàng
Một máy bay không người lái kết nối mạng đa năng sáu cánh quạt với trọng tải tối đa 20 kg đã được trưng bày tại gian triển lãm của dịch vụ chuyển phát nhanh China Post. Thiết bị này tích hợp công nghệ định vị có độ chính xác cao, radar sóng milimet và hệ thống nhận thức thị giác có thể đáp ứng nhu cầu trong nhiều lĩnh vực như giao hàng, tìm kiếm cứu nạn, lập bản đồ.
Song song với việc giới thiệu drones tại CIFTIS, China Post cũng đang sử dụng máy bay không người lái để hỗ trợ nông dân trồng trái cây vận chuyển mận giòn ra khỏi vườn một cách hiệu quả ở vùng núi thuộc huyện Vu Sơn thành phố Trùng Khánh.
Đưa trái cây theo quỹ đạo đã định, máy bay không người lái giúp rút ngắn thời gian vận chuyển từ vườn cây ăn quả đến sân bay xuống còn 8 phút thay vì 90 phút khi đi bằng đường bộ. Theo đó, 24 giờ là đủ để người tiêu dùng được sử dụng trái cây tươi kể từ thời điểm đặt hàng.
Trước đây, việc vận chuyển mận giòn ở huyện Vu Sơn chủ yếu dựa vào vận tải đường bộ, vận chuyển chậm và không đảm bảo được chất lượng quả.
Xie Song, Giám đốc dự án của bộ phận chuyển phát của China Post chia sẻ đội vận chuyển và giao hàng bằng máy bay không người lái của đơn vị đã vận chuyển hơn 160 tấn hàng hóa. Công ty đang áp dụng dịch vụ này tại An Huy, Trùng Khánh, Giang Tô và Tứ Xuyên.
Dịch vụ kho bãi thông minh
Lĩnh vực chuyển phát nhanh của Trung Quốc đã vượt mốc 100 tỷ bưu kiện trong năm nay nhanh hơn nhiều so với năm trước. Theo Cục Bưu điện Nhà nước (SPB), cột mốc này đã đạt được vào ngày 13/8, sớm hơn 71 ngày so với năm 2023.
Nhu cầu giao nhận và hậu cần đang bùng nổ tới mực không thể đáp ứng nếu không có dịch vụ kho bãi thông minh và hiệu quả cao.
Tại CIFTIS năm nay, các công ty chuyển phát nhanh Trung Quốc đã mang đến các giải pháp hoặc sản phẩm để thể hiện khả năng phân loại và giao bưu kiện. Trong số đó, STO Express đã giới thiệu hệ thống phân phối không người lái và hệ thống phân loại tự động.
Tại gian hàng triển lãm của STO Express, một xe di chuyển trên đường ray (RGV) đang hoạt động tự động. Thiết bị này do một công ty dịch vụ giao hàng thiết kế cho hoạt động kinh doanh trực tuyến.
Bên cạnh đó, công ty này còn phát triển hệ thống quản lý thông minh siêu kho để phục vụ hơn 300 kho được chọn trên 56 thành phố trên toàn quốc, với diện tích kho hơn hai triệu mét vuông. Hệ thống phân loại hiện đại này đã giúp xử lý và vận chuyển tổng cộng 100 triệu đơn hàng.
Công ty Logistics
JD Logistics – một công ty hậu cần và quản lý chuỗi cung ứng của Trung Quốc thì giới thiệu về hệ thống tương tác của các kho hậu cần, mô phỏng quy trình vận hành kho bãi và đóng gói hàng hóa, lưu trữ và lấy hàng, phân loại và giao hàng, đồng thời giới thiệu về tính trung hòa carbon tại trung tâm hậu cần thông minh số một châu Á của JD.
Kể từ khi khu hậu cần đầu tiên của JD được đưa vào hoạt động tại Thượng Hải năm 2014, đến nay hơn 40 khu đã được thành lập trên khắp cả nước.
Trong đó, Trung tâm hậu cần thông minh số một châu Á của JD có diện tích hơn 500.000 m2 tại Côn Sơn, tỉnh Giang Tô. Trung tâm này có thể phân loại tự động nhờ hơn 80 dây chuyền phân loại và 10.000 robot phân loại thông minh, góp phần nâng cao độ chính xác phân loại lên 99,99%.
Hoạt động suốt ngày đêm, trung tâm phân loại tự động này có khả năng xử lý hơn 4,5 triệu bưu kiện mỗi ngày.
Trong khi đó, tại một trung tâm tương tự khác ở Bắc Kinh, thiết bị Order Storage Retrieval (truy xuất lưu trữ đơn hàng) có phạm vi xử lý trên diện tích 2.700 m2 và lưu trữ tối đa một triệu mặt hàng, có thể xử lý tới 800 đơn hàng mỗi giờ, hiệu quả gấp 8 lần so với thao tác thủ công.
Đọc thêm: Vận chuyển hàng hoá từ Bắc Kinh về Việt Nam
Đọc thêm: Ngày Quốc Khánh Trung Quốc ảnh hưởng đến vận chuyển