Lễ hội đèn lồng (hội hoa đăng) chính là vào ngày Tết nguyên tiêu 15/1 âm lịch – ngày cuối cùng của mùa hội xuân. Vào thời cổ đại, những chiếc đèn lồng này sẽ được làm bằng giấy hoặc lụa sau đó đặt nến bên trong. Ngày nay, các loại vật liệu phong phú hơn nhưng ngắm đèn lồng, xem đua thuyền, ăn bánh trôi trong ngày tết nguyên tiêu… vẫn là những phong tục Tết cổ truyền của Trung Quốc được lưu giữ.
Các món ăn cổ truyền trong ngày Tết ở Trung Quốc
Bữa cơm đoàn tụ gia đình diễn ra vào đêm Giao thừa khi các thành viên tụ tập đón năm mới. Nơi tổ chức thường là ở nhà hoặc gần nhà trưởng tộc. Bữa cơm đêm Giao thừa thường rất sang và theo truyền thống sẽ có gà và cá. Ở một số nơi, cá hông được ăn hết (phần còn lại sẽ được để qua đêm, vì Trung Quốc có câu nói: “Niên niên hữu dư” – năm năm có dư, phát âm giống như “Niên niên hữu ngư” – năm năm có cá. Những món ăn truyền thống người Trung Quốc hay dùng vào dịp tết phải kể đến như:
1. Sủi Cảo
Sủi Cảo là món ăn đặc trưng của ngày Tết truyền thống ở Trung Quốc. Bình thường, người Trung Quốc sẽ ăn bánh bao nhưng vào các dịp lễ Tết, đặc biệt là Tết truyền thống thì họ sẽ làm và ăn Sủi Cảo. Sủi Cảo được nặn thành hình bán nguyệt và bên trong có thể có nhiều loại nhân như: các loại thịt, tôm, rau củ, cá,….Ngoài ra khi gói nhân lại, người ta sẽ tạo hình cho đầu bánh bằng những đường gấp khúc (tạo hình giống nén bạc thời xưa) với ý nghĩa tượng trưng cho sự thăng tiến, giàu sang. Bên cạnh đó, người Trung Quốc còn có một truyền thống rất đặc biệt. Khi làm Sủi Cảo, họ sẽ lén bỏ dây chỉ hoặc tiền xu vào trong một chiếc bánh bất kỳ. Nếu người nào ăn trúng bánh có sợi chỉ sẽ sống lâu còn người nào ăn trúng bánh có đồng xu sẽ gặp may mắn và giàu có.
2. Cá
Cá là một trong những món ăn không thể thiếu trong bữa cơm đầu tiên của người Trung Quốc trong dịp Tết truyền thống. Trong tiếng Trung, cá được phát âm là “yu”, gần giống với từ “dư” trong dư thừa. Vậy nên, món ăn này sẽ tượng trưng cho sự sung túc và đầy đủ trong năm mới. Đặc biệt, món cá trong ngày Tết truyền thống của người Trung Quốc phải làm theo một số quy định thú vị như: phải để nguyên con, đầu hướng về người lớn tuổi nhất (bày tỏ sự tôn trọng), chỉ khi người này đụng đũa thì những người khác mới được ăn. Người ngồi phía đuôi cá sẽ cùng người ngồi ở phía đầu cá uống với nhau 1 ly để mang lại may mắn cả năm.
3. Bánh Tổ
Bánh Tổ hay còn gọi là bánh Cao Niên, là một trong những món ăn truyền thống không thể thiếu trong dịp Tết Nguyên Đán của Trung Quốc. Món bánh này được làm từ gạo nếp, đường thắng đạt tới độ dẻo nhất định cùng một ít gừng cho thơm, quả chà là, lá sen,….Món bánh này tượng trưng cho sự thăng tiến cả trong tiền bạc, địa vị lẫn công việc.
4. Bánh Nian Gao
Bánh Nian Gao là một loại bánh gạo của Trung Quốc, thường được người dân thưởng thức vào đầu năm mới. Loại bánh này được làm từ bột nếp loại ngon, nhân bên trong có thể ngọt hoặc mặn và đặc biệt là rất dính, dẻo. Cũng chính vì vậy mà bánh Nian Gao tượng trưng cho sự gắn kết bền vững của các thành viên trong gia đình. Không chỉ để ăn, bánh Nian Gao còn là một món quà ý nghĩa trong dịp đầu năm. Nếu gia đình nào có con sắp thi đại học hoặc chuẩn bị thăng chức mà nhận được quà là bánh Nian Gao thì mọi chuyện sẽ diễn ra vô cùng thuận lợi.
5. Heo sữa quay
Heo sữa quay là món ăn được cúng trên bàn thờ tổ tiên để cầu cho một năm mới ấm no, sung túc. Món ăn này có thể được người Trung Quốc tự làm hoặc đặt nhà hàng từ trước. Không chỉ có ý nghĩa tốt đẹp, món ăn này còn rất thơm ngon và hấp dẫn. Vỏ của heo sữa mỏng, giòn tan, vàng rụm cùng vị thịt ngon ngọt tự nhiên không bị khô nên rất được người Trung Quốc yêu thích.
6. Cam quýt
Trong tiếng Trung, phát âm của trái cam, quýt và vàng đồng nghĩa với may mắn. Chính vì vậy mà người Trung Quốc thường bày biện và ăn cam quýt có màu vàng tươi để mang lại sự may mắn, giàu có. Đặc biệt, những quả cam, quýt có lá thì càng ý nghĩa. Chúng tượng trưng cho phúc lộc và tuổi thọ cao.
7. Khay bánh kẹo
Cũng giống như Tết Việt Nam, ở Trung Quốc người dân sẽ bày những khay bánh kẹo để tiếp đón khách khứa. Khay bánh kẹo này sẽ gồm nhiều loại mứt, tượng trưng cho sự giàu có, đoàn tụ cùng các loại hạt màu đỏ như hạt dưa để có được hạnh phúc.
8. Cơm Bát Bảo
Cơm Bát Bảo là một món ăn đặc trưng của người Trung Quốc dịp Tết. Món ăn này được nấu từ gạo thông thường nhưng điều làm nên sự khác biệt chính là cách trang trí. Sau khi được nấu chín, người ta sẽ bới cơm ra đĩa và vun tròn lại. Tiếp theo, phủ một lớp siro để tạo độ bóng lên trên. Cuối cùng là dùng các loại hạt và trái cây khô để trang trí ở phần đỉnh. Món ăn này tượng trưng cho sự giàu có và nhiều tiền bạc.
9. Chè Trôi Nước
Vào ngày cuối cùng của Tết, người Trung Quốc sẽ tổ chức lễ hội đèn lồng. Và chè Trôi Nước là món ăn được yêu thích trong lễ hội này. Trong tiếng Trung, chè Trôi Nước được gọi là Tāngyuán có cách phát âm tương tự như từ “đoàn viên”. Vậy nên, món ăn này tượng trưng cho sự sum vầy và được yêu thích bởi rất thơm ngon.
10. Mì Trường Thọ
Mì Trường Thọ là món ăn khá quen thuộc với người Trung Quốc trong dịp lễ sinh nhật và Tết Nguyên Đán. Đúng như tên gọi, mì Trường Thọ có ý nghĩa cho tuổi thọ ngày càng tăng cao. Điểm đặc biệt của món ăn này là sợi mì thường rất dài. Thậm chí, mỗi bát mì chỉ có duy nhất 1 sợi ở bên trong.