Quốc vụ viện Trung Quốc hồi đầu tháng công bố lịch nghỉ lễ của nước này năm 2025. Lịch nghỉ Tết kéo dài 8 ngày từ 28/1- 4/2/2025, nhiều hơn một ngày so với 2024. Đây là một trong hai dịp lễ lớn được nghỉ hơn một tuần trong năm nay ở nước này, cùng với dịp lễ Quốc khánh.
Trung Quốc thường hoán đổi các ngày làm việc để bù đắp cho các kỳ nghỉ dài. Trong năm nay, người Trung Quốc sẽ phải làm bù vào ngày chủ nhật 26/1/2025 trước Tết và ngày thứ bảy 8/2/2025 sau Tết.
Tuy nhiên, các công ty tư nhân có thể không yêu cầu làm bù hoặc tự thêm ngày nghỉ cho lao động, miễn là vẫn tuân thủ lịch nghỉ chính thức.
Những việc người Trung Quốc thường làm trong ngày TẾT truyền thống
Người dân Trung Quốc có rất nhiều hoạt động trước, trong và sau Tết âm lịch. Trong đó, có 6 hoạt động chính:
1. Dọn dẹp và trang trí nhà cửa với những thứ màu đỏ
Ở Việt Nam, mọi người thường dọn dẹp và trang trí nhà cửa vài ngày trước Tết. Nhưng người Trung Quốc thường làm điều đó vào đêm giao thừa. Dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ được cho là tượng trưng cho việc quét sạch những điều xui xẻo của năm trước và chuẩn bị cho ngôi nhà đón những điều may mắn. Với quan niệm màu đỏ tượng trưng cho sự thịnh vượng và năng lượng, người Trung Quốc trang trí nhà cửa bằng những thứ màu đỏ như đèn lồng đỏ, câu đối xuân đỏ, tranh Tết… để xua đuổi tà ma và cầu phước lành, trường thọ, sức khỏe, bình an. Năm 2022 là năm Nhâm Dần, vì vậy hình ảnh con hổ sẽ xuất hiện trên đồ trang trí.
2. Dâng lễ vật lên tổ tiên
Trong ngày Tết, người Trung Quốc dâng lễ vật lên tổ tiên để thể hiện lòng thành kính, hiếu nghĩa. Nhiều người còn đến thăm mộ tổ tiên vào trước Tết. Người ta cho rằng linh hồn của tổ tiên sẽ bảo vệ, phù hộ độ trì cho con cháu của họ.
3. Thưởng thức bữa tối sum họp gia đình
Tết âm lịch là thời gian để gia đình sum vầy. Đối với người Trung Quốc, đêm giao thừa là thời điểm quan trọng nhất trong năm. Dù ở bất cứ đâu, mọi người đều mong được trở về nhà để quây quần bên gia đình. Bữa tối giao thừa của người Trung Quốc được gọi là “bữa tối đoàn tụ”. Các gia đình lớn gồm nhiều thế hệ sẽ ngồi quanh bàn tròn, thưởng thức đồ ăn và dành thời gian bên nhau. Những món ăn mang ý nghĩa may mắn phải có trong bữa tối bao gồm cá, bánh bao, bánh tổ (nian gao), chả giò.
4. Tặng bao lì xì đỏ (hồng bao)
Người Trung Quốc thường đựng tiền lì xì trong phong bao màu đỏ (được gọi là hồng bao) vì màu đỏ được cho là tượng trưng cho sự may mắn và hạnh phúc. Người ta thường tặng lì xì cho trẻ em hoặc người cao niên (đã nghỉ hưu) sau bữa cơm sum họp, với ý nghĩa cầu chúc cho người nhận một năm mới an khang, thịnh vượng, bình an vô sự. Người Trung Quốc ưa chuộng số tiền bắt đầu bằng số chẵn, chẳng hạn như 8 (đọc gần giống với từ “giàu có”) và 6 (gần giống từ “suôn sẻ”), ngoại trừ số 4 vì nó gần với từ có nghĩa là “chết”.
5. Đốt pháo và bắn pháo hoa
Từ những màn trình diễn pháo hoa công cộng ở các thành phố lớn đến hàng triệu màn đốt pháo ở các vùng nông thôn của Trung Quốc, đốt pháo và bắn pháo hoa là một hoạt động lễ hội không thể thiếu. Đó là một cách để xua đuổi ma quỷ và chào đón năm mới, đồng thời cũng là cách để tăng thêm không khí vui tươi của ngày lễ. Ở nhiều vùng nông thôn, có phong tục đốt pháo trước mỗi bữa tối từ đêm giao thừa đến mùng 3 Tết. Người ta tin tiếng pháo càng to thì việc làm ăn và trồng trọt sẽ càng thuận lợi và may mắn trong năm tới.
6. Xem múa lân – sư – rồng
Múa lân – sư – rồng là hoạt động vô cùng phổ biến ở Trung Quốc và các khu phố Tàu ở nhiều nước phương Tây trong dịp Tết âm lịch, vì 3 con thú này tượng trưng cho thịnh vượng, phát đạt, hạnh phúc, may mắn,… Ngoài ra, người Trung Quốc còn có nhiều phong tục ngày Tết khác như mặc quần áo mới và đi chúc Tết, thức khuya vào đêm giao thừa, xem Gala Năm mới của Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc…
7. Thăm nhà người thân, bạn bè
Để gửi những lời chúc mừng năm mới tới bạn bè, người thân; người Hoa thường tới thăm nhà đầu năm. Họ tới từng gia đình, trao nhau phong bao đỏ và nói với nhau những điều vui vẻ, may mắn; thậm chí là ở lại cùng nhau dùng cơm thân mật. Ở một số vùng, hoạt động này có thể kéo dài vài ngày.
8. Tham gia hội hoa đăng
Lễ hội đèn lồng (hội hoa đăng) chính là vào ngày Tết nguyên tiêu 15/1 âm lịch – ngày cuối cùng của mùa hội xuân. Vào thời cổ đại, những chiếc đèn lồng này sẽ được làm bằng giấy hoặc lụa sau đó đặt nến bên trong. Ngày nay, các loại vật liệu phong phú hơn nhưng ngắm đèn lồng, xem đua thuyền, ăn bánh trôi trong ngày tết nguyên tiêu… vẫn là những phong tục Tết cổ truyền của Trung Quốc được lưu giữ.
Đọc thêm: 4 trải nghiệm đáng nhớ về Tết Trung Hoa